Ngóng chính sách điện mặt trời áp mái

Hotline: 0909046989

Email: hiancoel@gmail.com

Ngóng chính sách điện mặt trời áp mái
Ngày đăng: 15/02/2024 07:38 AM

    Bộ Công Thương sẽ đề xuất xây dựng cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái bao gồm nhiều đối tượng tham gia và phù hợp thực tiễn để thúc đẩy nguồn điện này.

    Điện mặt trời áp mái tại Khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Điện mặt trời áp mái tại Khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Tuy nhiên, việc xây dựng nghị định của Chính phủ cần nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ và xin ý kiến các bên liên quan, trong khi nhiều doanh nghiệp và người dân mong ngóng sớm có cơ chế này.

    Mở rộng đối tượng

    Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Bộ Công Thương cho biết sau chỉ đạo gần nhất của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng nghị định quy định về phát triển điện mặt trời áp mái, nhằm bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp luật.

    Trên cơ sở lấy ý kiến các bên liên quan và đồng ý đưa nội dung này vào chương trình xây dựng luật, pháp luật, Bộ Công Thương sẽ có dự thảo nghị định để xin ý kiến các bộ ngành và trình Chính phủ xem xét, ban hành.

    Tuy nhiên, theo vị này, thời gian triển khai xây dựng nghị định về phát triển điện mặt trời áp mái (gồm cả trình hồ sơ xây dựng nghị định) có thể mất hơn bốn tháng.

    Thêm nữa, theo định hướng của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã nêu tại cuộc họp mới đây, việc phát triển điện mặt trời áp mái ở cấp nghị định sẽ có diện bao phủ rộng hơn, không chỉ là hệ thống nhà dân, công sở, khu công nghiệp, mà còn nhiều đối tượng khác như trung tâm thương mại, các khu dịch vụ, các khu vực mái nhà trong khu công nghiệp...

    Như vậy với chỉ đạo trên, các đối tượng khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái sẽ được mở rộng hơn so với dự thảo nghị định gần đây nhất được Bộ Công Thương xây dựng.

    Bởi dự thảo nghị định trước đây chỉ khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác nhưng có nối lưới theo thỏa thuận đấu nối.

    Ngoài mở rộng đối tượng, dự kiến cơ chế mới sẽ khuyến khích điện mặt trời áp mái còn có thể mở rộng với các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng điện mặt trời mái nhà được hưởng chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

    Các cơ quan nhà nước có liên quan ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tại cơ quan, công sở.

    Bộ Công Thương khẳng định cơ chế mới không đề xuất chính sách làm phát sinh thủ tục hành chính cho các bộ, song để kiểm tra giám sát sự phát triển của điện mặt trời mái nhà theo đúng yêu cầu của Nhà nước, cần thiết phải có thủ tục hành chính và giao cho địa phương thực hiện.

    Điện mặt trời tại một chung cư ở quận 7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Điện mặt trời tại một chung cư ở quận 7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Sốt ruột chờ cơ chế cho điện mặt trời

    Trong khi chờ đợi chính sách mới, nhiều doanh nghiệp điện mặt trời lẫn các doanh nghiệp sản xuất đều cho biết rất "nóng ruột" khi vẫn chưa có quy định cụ thể kể từ khi cơ chế khuyến khích hết hiệu lực từ năm 2020.

    Ông Chung Diệu Tuấn - giám đốc điều hành Công ty cổ phần đầu tư Copper Mountain Energy Solar (CME Solar) - cho biết nhu cầu lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng, khu công nghiệp đang tăng cao trong các lĩnh vực sản xuất của các công ty FDI tại Việt Nam, đặc biệt là ngành điện tử, bán dẫn và dệt may.

    Vừa qua, CME Solar đã ký thỏa thuận về việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho nhà máy của LG Innotek tại Việt Nam với công suất lắp đặt lên đến 4,3MWp. Trước đó, nhiều doanh nghiệp FDI cũng đã lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất mà doanh nghiệp này đã lắp đặt lên đến 100MWp.

    Quốc Dũng (nguồn báo tuoitre.vn)

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Zalo
    Hotline